Đời sống người dân vùng cao đang dần được cải thiện nhờ Sâm Ngọc Linh

Sau khi được Chính phủ thống nhất thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030, công tác bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cải thiện đời sống của người dân vùng cao ngày càng phát triển mạnh.

Loading...

Nam Trà My là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Nam, cách tỉnh lỵ khoảng 100 km, có tổng diện tích tự nhiên là 82.253 ha, dân số 28.260 khẩu/6.692 hộ và là nơi sinh sống của đồng bào Cadong, Xêđăng, Bh’nông, Kinh cùng các dân tộc anh em khác. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện chung sống xen kẽ với nhau, có truyền thống bám đất giữ rừng, cần cù lao động, đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau.

Đời sống người dân vùng cao đang dần được cải thiện nhờ Sâm Ngọc Linh

Xác định được tầm quan trọng của việc phát triển cây sâm Ngọc Linh và để bảo tồn nguồn giống cây sâm Ngọc Linh phục vụ cho việc phát triển vùng sâm nguyên liệu, góp phần hạn chế việc phá rừng làm suy giảm môi trường thiên nhiên, năm 2012, HĐND huyện Nam Trà My đã thông qua Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 27/12/2012 về Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh giai đoạn 2013-2020. Trên cơ sở đó, từ các nguồn vốn khác nhau như Nghị quyết 30a, Chương trình 135 giai đoạn 2, Chương trình xây dựng nông thôn mới… đã tập trung đầu tư phát triển cây sâm Ngọc Linh ở 3 xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang.

Theo đánh giá của chính quyền cơ sở, nhận thức của người dân vùng núi cao Nam Trà My đã được thay đổi rõ rệt. Họ đã biết giữ rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Các hộ dân đã biết tận dụng diện tích đất dưới tán rừng. Đồng thời, biết cách sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư trồng sâm; đã có hộ vay vốn đến hàng trăm triệu đồng để đầu tư. Nếu như trước đây số hộ trồng sâm tại 3 xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang chỉ khoảng 110 hộ, thì đến nay đã có 645 hộ.

Hiện nay, phong trào trồng sâm Ngọc Linh trong nhân dân trên địa bàn huyện Nam Trà My đang phát triển ngày càng mạnh mẽ; đ ời sống người dân đã dần ổn định. Nhiều hộ nghèo đã vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu và bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc nhờ phát triển sâm Ngọc Linh.

Nhìn chung, bộ mặt kinh tế – xã hội của huyện Nam Trà My cũng như đời sống người dân ngày càng đổi khác. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 giảm 4,66% so với năm 2015. Hy vọng rằng, với những bước đi đúng đắn, cây sâm Ngọc Linh sẽ là cây thoát nghèo bền vững, giúp cho nhân dân vùng núi cao – vùng căn cứ cách mạng vươn lên làm giàu từ chính trên mảnh đất quê hương mình.

Nguồn: TTXVN

Loading...