Thực tế phũ phàng: Khoảng 20 triệu người chưa tham gia BHYT phải trả thêm tiền khám chữa bệnh
Từ hôm nay 1-6, hơn 1.900 dịch vụ y tế tại các bệnh viện công lập tăng giá đối với người không có BHYT. Bước đầu có khoảng 50 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ, ngành chính thức thực hiện tăng viện phí đối với người không có BHYT. Ước tính, tổng chi phí khi khám sức khỏe và khám chữa bệnh với người không có BHYT tự chi trả tăng trung bình 10%.
Các bệnh viện điều chỉnh khung giá dịch vụ khám chữa bệnh
Thông tư số 02/2017/TT-BYTcủa Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT ) chính thức có hiệu lực thi hành từ 1-6-2017, đồng nghĩa với việc các bệnh viện công lập tăng giá viện phí.
Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư 02 đến hết 2017 phải thực hiện mức giá viện phí mới đối với người chưa có BHYT trên cả nước. Do đó, trước mắt, bắt đầu từ hôm nay (1-6) có khoảng 50 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ, ngành sẽ chính thức điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế đối với người chưa có BHYT.
Đáng chú ý, để hạn chế tác động của việc tăng viện phí và thực hiện theo lộ trình, có 30 tỉnh thành sẽ thực hiện điều chỉnh viện phí vào tháng 8-2017, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10-2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12-2017, chứ không tăng đồng loạt cùng một thời điểm.
Mức tăng tiền khám chữa bệnh lớn tới mức độ nào?
Theo quy định của Thông tư 02 cho phép tăng giá 1.916 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT. Do giá viện phí mới được kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí một số yếu tố trực tiếp cấu thành (chi phí thuốc, dịch truyền, hoá chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, điện, nước, nhiên liệu, bảo dưỡng thiết bị…) nên nhiều dịch vụ y tế đối với người không có BHYT có mức tăng 2-3 lần giá cũ. Trong đó thấp nhất là đối với chi phí khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, người bệnh sẽ phải trả 39.000 đồng cho một lần khám, tại bệnh viện hạng 2 là 35.000, hạng 3 là 31.000 đồng, hạng 4 và trạm y tế xã là 29.000 đồng.
Đặc biệt với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao sẽ có chi phí rất lớn như: chụp X quang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng, chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng, nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng tăng lên 793.000 đồng… thậm chí chụp PET/CT còn lên tới 20 triệu đồng.
Cùng với đó chi phí giường bệnh nội trú cũng tăng lên đáng kể, như: giá dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng gấp đôi lên 677.100 đồng/ngày, hạng 1 là 632.200 đồng, hạng 2 là 568.900 đồng…
Như vậy theo ước tính của bộ Y Tế tổng chi phí khi khám chữa bệnh với người không có BHYT phải tự chi trả ước tăng trung bình khoảng 10% so với trước.
Khoảng 20 triệu người dân Việt Nam sẽ bị trịu tác động bởi việc tăng tiền khám chứa bệnh
Với thông tư 02 này người có thẻ BHYT, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội vì các đối tượng này đã được nhà nước mua thẻ BHYT và được BHXH thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo quy định hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện nay đã có 81,7% dân số với gần 76 triệu người đã có thẻ BHYT. Như vậy, còn khoảng 18% dân số tương đương khoảng 20 triệu người chưa tham gia BHYT sẽ chịu tác động của việc điều chỉnh giá viện phí này.
Nhà nước cũng đã thực hiện một số giải pháp như: nâng mức hỗ trợ mua BHYT cho người cận nghèo; nâng mức hỗ trợ mua BHYT cho người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50 – 70%.
Tin tức được nhiều độc giả quan tâm |
---|
Bệnh cảm cúm, cách chữa cảm cúm hiệu quả, bị cảm cúm nên ăn gì? |