Thật bất ngờ! Ngành giáo dục rất có khả năng sẽ không còn biên chế

Xóa bỏ biên chế giáo viên là một chủ trương đúng đắn, tạo “cú hích” để giáo dục có những bước đột phá. Những nhà giáo thực sự có phẩm chất và năng lực, dù trong chế độ làm việc nào, họ cũng khẳng định được uy tín, vị trí của bản thân.

Kết thúc cuộc đua biên chế, dùng mọi thủ đoạn, mọi cách thức để được vào biên chế

Biên chế tuy tạo tính ổn định trong nghề nghiệp đối với giáo viên, nhưng mặt khác, nó tạo nên “bức bình phong” án ngữ, cố thủ trong nghề giáo. Với tâm lý dựa dẫm vào biên chế mà lâu nay trong giáo dục có một “cuộc đua ngầm” vào biên chế bằng mọi giá. Người thì dùng quan hệ, người thì dùng tiền, một số trường đại học còn thổi phồng chất lượng đầu ra của sinh viên nhằm tạo lợi thế cho việc xét tuyển biên chế sau này. Một số cán bộ cấp trên áp đặt hiệu trưởng phải nhận con em mình vào dạy hợp đồng, ngay cả khi môn đó trường đã đủ hoặc đang thừa giáo viên, nhằm để lấy số năm công tác (được ưu tiên trong tuyển dụng sau này); cũng vì sợ mất các suất biên chế cho con em mình mới ra trường mà có Sở GD&ĐT tỉnh X đã không xét đặc cách vào biên chế cho những giáo viên hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội liên tục trên 36 tháng (theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ).

Và có một thực tế phũ phàng là ngay cả khi được vào biên chế rồi mà cán bộ muốn chuyển công tác tới nơi mình mong muốn thì cũng không thể nào mà nói xuông để được chuyển.

Vậy rõ ràng, bỏ biên chế sẽ khép lại cuộc đua vào biên chế thiếu khách quan, minh bạch, không hồi kết bấy lâu nay.

Loading...

Tinh gọn và nâng cao chất lượng đội ngũ

 Theo thống kê một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp trung học cơ sở như: Thái Bình 1.224, Phú Thọ 1.191, Thanh Hóa 2.188, Nghệ An 1.742, Quảng Nam 1.096; các tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La: 1.040, Bắc Giang 1.921, Thái Bình 1.500, Thanh Hóa 1.405, Nghệ An 3.328, TPHCM 1.195. Tính chung trong toàn quốc, tổng số giáo viên công lập dôi dư: 26.750 (trong đó, tiểu học: 3.194, trung học cơ sở: 21.005, trung học phổ thông: 2.551).

Có thể thấy rằng hệ quả của việc chạy đua biên chế chính là việc lạm phát trong đội ngũ cán bộ công nhân viên chức ngành giáo dục. Một thực trạng đáng lo ngại lâu nay là một bộ phận giáo viên khi được vào biên chế đã tạo cho mình một “lớp bảo vệ” an toàn. Không ít giáo viên rất trì trệ, họ không chịu tự học nâng cao trình độ chuyên môn, rất hạn chế về học ngoại ngữ, công nghệ thông tin, chậm đổi mới phương pháp giảng dạy…

Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề giáo là cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Chuyển chế độ biên chế sang chế độ hợp đồng làm việc sẽ tạo động lực để nhà giáo đổi mới, sáng tạo, không ngừng tu dưỡng phẩm chất và năng lực, xứng đáng với vai trò, thiên chức của mình.

Việc không còn biên chế thì cũng kéo theo sẽ không còn sự ỷ nại vào việc đã vào biên chế sẽ không còn nữa. Bất kỳ một cán bộ nào cũng phải tích cực rèn luyện nâng cao trình độ và sáng tạo trong công tác giáo dục và giảng dạy.

Xóa bỏ biên chế giáo viên là một chủ trương đúng đắn, tạo “cú hích” để giáo dục có những bước đột phá. Những nhà giáo thực sự có phẩm chất và năng lực, dù trong chế độ làm việc nào, họ cũng khẳng định được uy tín, vị trí của bản thân. Vậy xin đừng hoài nghi thái quá.

Bỏ biên chế giáo viên chính sách đụng chạm đến quyền lợi của hàng triệu giáo viên trên cả nước nên nhiều người băn khoăn, lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều này đã được lãnh đạo ngành trả lời khá rõ ràng trong nghị trường và trên diễn đàn giáo dục, báo chí.

Đổi mới giáo dục cốt lõi là đổi mới tư duy. Dù việc xóa bỏ biên chế trong đội ngũ giáo viên không phải là chuyện trong một sớm một chiều, nhưng nói như Bộ trưởng Nhạ, “chúng ta phải hình thành một lối suy nghĩ khác – coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất, tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định mình, tạo ra một thị trường lao động thực sự, trong đó chất lượng là thước đo hàng đầu, năng lực của người giáo viên được thể hiện qua thu nhập – là việc cần phải làm”.

Loading...