Thiếu 5.400 giáo viên âm nhạc, mỹ thuật cấp THPT
Baotintuc247.com– Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn âm nhạc và mỹ thuật sẽ lần đầu tiên được đưa vào dạy ở bậc trung học phổ thông. Do chưa có trong chương trình giáo dục hiện hành nên ngành giáo dục thiếu 5.400 giáo viên âm nhạc, mỹ thuật cấp THPT.
Với tiến trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021 môn âm nhạc và mỹ thuật sẽ không chỉ được dạy ở cấp tiểu học như hiện nay mà còn được dạy cả ở cấp trung học phổ thông. Điều này được dự kiến sẽ gây ra sự thiếu hụt lớn trong giáo viên giảng dạy.
Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu mỗi trường trung học phổ thông trên cả nước bố trí một giáo viên âm nhạc và một giáo viên mỹ thuật thì tổng số giáo viên cần đào tạo và tuyển dụng bổ sung cho các nhà trường là 5.400 người, trong đó có 2.700 giáo viên âm nhạc, 2.700 giáo viên mỹ thuật.
Bên cạnh đó, theo tính toán, hiện nay, toàn quốc còn thiếu khoảng 5.600 giáo viên tiếng Anh và 5.600 giáo viên Tin học ở tiểu học. Do đó, đào tạo giáo viên chuyên ngành tiếng Anh, Tin học ở tiểu học cũng là vấn đề đặt ra. Cùng với đó là đào tạo giáo viên theo từng chuyên ngành để bổ sung do tăng quy mô trường, lớp, học sinh và thay thế số giáo viên nghỉ hưu (khoảng 2%/năm).
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) Hoàng Đức Minh cho biết, Bộ sẽ ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước, trong đó có chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn mới. Các sở, phòng giáo dục và đào tạo các địa phương có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên dạy các môn theo chương trình đào tạo mới. Các cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật thực hiện đào tạo giáo viên âm nhạc, mỹ thuật để dạy môn học giáo dục nghệ thuật ở cấp trung học phổ thông.
Theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu, từ năm học 2020-2021 với lớp 1, từ năm học 2021-2022 với lớp 6 và từ năm học 2022-2023 với lớp 10.
Thực hiện nghiêm túc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp; thực hiện bổ nhiệm, thi, xét thăng hạng và xếp lương theo hạng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đúng quy định; chủ động phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo giáo viên trên địa bàn và các cơ sở khác để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và CBQL; đảm bảo các chế độ chính sách cho giáo viên và CBQL trong thực hiện chương trình GDPT và sách giáo khoa mới.