Văn hóa đọc của trẻ em, những nề nếp đang dần đi vào mai một

Đi học về, vừa mở cửa vào nhà, cu Bi đã chạy tới bàn cầm chiếc iPad để chơi games. Nó say sưa, cắm cúi, bỏ mặc mọi hoạt động xung quanh. Lúc đầu cứ nghĩ, thời đại công nghệ thông tin, chị Huê mua chiếc i Pad với mong muốn con trai mình tiếp cận với những kiến thức khoa học, giáo dục kỹ năng… Mặt khác cũng bởi để dỗ thằng bé nghe lời, chịu ăn. Ai ngờ, thằng bé ngày xưa hiếu động, vui cười bao nhiêu thì chỉ có 6 tháng nay đã thay đổi. Chỉ thu mình vào chiếc máy tính bảng, thường xuyên đổ mồ hôi, không nói chuyện, không còn muốn nghe mẹ kể chuyện mỗi ngày trước khi đi ngủ.

Cần nhân rộng và phát triển văn hóa đọc cho giới trẻ.

Còn cháu Đạo, con chị Hồng năm nay học lớp 6. Thỉnh thoảng chị lại than phiền: Bây giờ chẳng biết làm sao để cai “nghiện games” cho thằng bé nữa? Ngày nào chồng chị cũng phải xách xe đi hết tuyến phố này sang tuyến phố khác để tìm con. 5 năm về trước, do hoàn cảnh kinh tế gia đình gặp khó khăn, vợ chồng chị phải đi vào khu vực Tây Nguyên làm ăn, kiếm sống, để thằng bé ở nhà cho ông bà chăm sóc. Nay đã có của ăn, của để trở về quê thì thằng bé nghiện games lúc nào không hay biết. Chỉ đến khi đi họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm nhắc em Đạo, dạo này nghỉ học nhiều lắm. Đó chỉ là 2 câu chuyện nhỏ trong hàng nghìn hoàn cảnh vẫn hàng ngày đang diễn ra trong cuộc sống hiện đại.

Loading...

Không phủ nhận những giá trị, sự tiện ích mà khoa học, công nghệ thông tin đem lại cho con người. Tuy nhiên, khi người lớn vô tình dẫn dắt trẻ tiếp cận quá sớm và không đúng cách như chị Huê, hoặc thiếu sự quản lý, giám sát thường xuyên của gia đình khiến cho trẻ sa ngã vào những trò chơi điện tử mang tính bạo lực… mà quên đi văn hóa đọc, văn hóa giao tiếp hàng ngày. Ảnh hưởng tức thì đó là sự thụ động và bất hợp tác trong giao tiếp.

Trẻ em sử dụng máy tính bảng.

Dù xã hội ngày càng văn minh, nhưng văn hóa đọc vẫn giữ nguyên những giá trị vốn có. Những câu chuyện như “Tấm Cám”, những câu ca dao, tục ngữ mà mẹ thường hay đọc, kể cho con nghe, để rồi chìm sâu vào trong giấc ngủ. Rồi đến những tác phẩm đặc sắc cho thiếu nhi một thời như: “Dế Mèn phiêu lưu kí” của Tô Hoài, “Cái Tết của Mèo con” của Nguyễn Đình Thi, “Góc sân và khoảng trời” của Trần Đăng Khoa… hay truyện tranh “Đôrêmon”, “Bảy viên ngọc mắt rồng”… đã một thời khiến cho các bạn trẻ tìm kiếm đọc. Hiện nay, trong xã hội có rất nhiều mô hình, điểm sinh hoạt văn hóa đọc tiện ích cho trẻ như: Thư viện xanh của các trường học, thư viện làng, bưu điện văn hóa xã, thư viện của huyện, thành phố… Để văn hóa đọc đi sâu trong giới trẻ, gia đình, nhà trường và xã hội có thể thường xuyên tổ chức sinh hoạt văn hóa trong các giờ học ngoại khóa, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức, văn hóa, kỹ năng sống cho giới trẻ.

Trong cuộc sống hiện đại, sử dụng công nghệ thông tin phù hợp, có tính định hướng và giám sát của các bậc phụ huynh, nhà trường kết hợp văn hóa đọc-nghe-nhìn, làm cho trẻ tương tác, suy nghĩ và biểu cảm. Đó cũng là cách giúp trẻ không sa ngã vào những trò chơi điện tử mang tính bạo lực và phát triển những kỹ năng sống trong sáng, bền vững cho trẻ thơ.

Loading...