Lạ đời luật sư hỏi cả mật khẩu facebook của bị cáo

Trong phiên xử vụ án nữ sinh bị tạt acid tại TAND quận Gò Vấp, TP.HCM mới đây xuất hiện một tình huống pháp lý khá hy hữu. Tại phiên tòa, luật sư (LS) bào chữa đã đề nghị các bị cáo cung cấp mật khẩu Facebook cá nhân của mình một cách rất chi tiết…  Chủ tọa phiên tòa nói bình thường nhưng có ý kiến cho rằng câu hỏi này đã xâm phạm đời tư cá nhân của bị cáo.

Do có mâu thuẫn từ trước, Lương Thúy Kiều Quyên cùng bạn trai là Nguyễn Đình Thanh Tâm lên kế hoạch trả thù nạn nhân. Đôi tình nhân mua axit và thuê Phạm Hoàng Long tạt vào mặt chị Mai với giá 1 triệu đồng.

Loading...

Trưa 30/3/2016, sau khi tan học, Mai và Tú đang chạy xe máy trên đường Quang Trung thuộc phường 14, quận Gò Vấp thì chị Mai bị Tâm và Long đi xe máy áp sát, tạt cả ca axit vào mặt.

Hậu quả chị bị bỏng nặng độ 3-4, chiếm 75% diện tích khuôn mặt và mù một mắt. Tú ngồi sau cũng bị dính chất lỏng cháy cả quần áo, bỏng một số nơi trên cơ thể. Ngày hôm sau, Công an quận Gò Vấp bắt Quyên và Tâm, sau đó Long cũng bị bắt khẩn cấp. Tại cơ quan công an, cả ba cúi đầu nhận tội.

Đến phần thẩm vấn tại tòa, LS Bùi Khắc Toản (Đoàn LS TP.HCM, người bào chữa cho bị cáo Tâm) hỏi bị cáo Quyên. Đặc biệt LS Toản đã lần lượt đề nghị hai bị cáo Quyên và Long cung cấp tên Facebook, tên người dùng và cả mật khẩu đăng nhập Facebook của hai bị cáo này. Trong khi nhiều người dự khán khá bất ngờ trước câu hỏi thì các bị cáo đã đọc rõ, đánh vần từng ký tự mật khẩu trước tòa.

Tiếp đó, LS Toản đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung. LS nói: “Với tên người dùng, mật khẩu Facebook mà hai bị cáo vừa cung cấp sẽ đăng nhập được vào tài khoản Facebook của hai bị cáo Quyên và Long. Tại đó sẽ có nhiều chứng cứ chứng minh Quyên và Long đã trao đổi, bàn bạc liên quan đến hành vi phạm tội như thế nào. Từ đó tôi đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để làm rõ…”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về lý do hỏi như trên, LS Toản cho biết theo nguyên tắc điều tra công khai tại phiên tòa thì ông có quyền hỏi. Bởi các bị cáo đã sử dụng Facebook bàn bạc việc phạm tội nên ông phải đặt các câu hỏi đó để làm rõ các chứng cứ.

Một thẩm phán TAND Cấp cao cho rằng LS có quyền đặt những câu hỏi liên quan nhằm làm rõ nội dung vụ án và bảo vệ thân chủ của mình. Tuy nhiên, bí mật đời tư của cá nhân là bất khả xâm phạm, nó được pháp luật bảo vệ và tôn trọng.

Chỉ có cơ quan điều tra với chức năng, nhiệm vụ của mình mới có quyền xâm nhập vào đời tư của cá nhân theo đúng trình tự thủ tục luật định. Việc LS yêu cầu bị cáo công khai mật khẩu Facebook tại phiên tòa có thể dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Mặc dù pháp luật không cấm nhưng không nên làm như vậy.

Đành rằng về quyền thì bị cáo có quyền từ chối cung cấp nhưng tại tòa, dưới áp lực căng thẳng thì bị cáo không nhớ hoặc không biết mình có quyền này. Vì vậy, LS chỉ nên dừng lại ở việc đề nghị cơ quan điều tra thu thập chứng cứ thì sẽ phù hợp hơn, tránh được nhiều hệ lụy không hay cho các bị cáo.

Loading...