Chuyện tình yêu ‘bách niên giai lão’ của cụ ông 100 tuổi hiếm có giữa đời thường
Ông ngồi dựa lưng vào vách dựng trên mạn thuyền. Gương mặt ông hốc hác và mệt mỏi. Trên tay bà, tô cháo đang bốc hơi nghi ngút. Múc một muỗng đưa đến miệng ông, bà nói: “Anh ráng ăn đi cho mau khỏe… “.
Chuyện tình “bách niên giai lão”
Chúng tôi bắt gặp hình ảnh này khi có dịp đi ngang dưới chân cầu Bình Minh (thị trấn Cái Vồn, Vĩnh Long). Ông là Bùi Văn Thâm và bà là Nguyễn Thị Dung. Có thể nói tại tỉnh Vĩnh Long này ông bà là đôi vợ chồng có tuổi đời cao nhất.
Ông đang bước vào tuổi 100 và bà cũng đã 89 tuổi. Khi nghe ông bà xưng hô với nhau hai tiếng “anh em”, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng.
Nở nụ cười thật tươi bà nói: “Mấy hôm nay ông Thâm bị bệnh nên tôi không đi bán vé số nữa. Đi bán bỏ ông một mình tôi không mấy an tâm”.Nhà của ông bà là một chiếc ghe gỗ mưa dột gió lùa. Chiếc ghe đã neo đậu tại đây từ hàng chục năm nay càng ngày càng xuống cấp. Bước qua mũi ghe, bà Dung đón chào chúng tôi.
Bà quay vào, múc từng thìa cháo cho ông. Tô cháo mỗi lúc một vơi dần. Bà lấy thuốc cho ông uống xong đỡ ông nằm xuống sàn. Đắp tấm mền mỏng ngang ngực ông bà quay ra với chúng tôi.
Bà kể: “Tôi với ông sống với nhau đến nay đã 70 năm. Nơi chúng tôi sinh ra và lớn lên cách nơi đây 20km. Hồi đó, đương tuổi xuân, tôi cũng cho chút nhan sắc và nết na nên được nhiều người yêu quý.
Đến năm 20 tuổi, tôi gặp ông. Lúc này ông đã 31 tuổi, là một thanh niên hiền lành, giỏi giang. Chúng tôi nên nghĩa vợ chồng với hai bàn tay trắng”.
Nhưng trời không chiều lòng người. Mùa nước lớn đến làm sạt lở miếng đất kéo đổ ngôi nhà của chúng tôi xuống tận đáy sông. Bao nhiêu tài sản tích cóp bấy lâu nay trong phút chốc đã không còn.Bà Dung tiếp tục hồi tưởng: “Cả 2 bên đều nghèo, chúng tôi được gia đình cho một miếng đất nhỏ để dựng mái nhà. Rồi những đứa con ra đời, cuộc sống của chúng tôi càng khó khăn hơn. Nghèo thì nghèo nhưng chúng tôi vẫn một lòng yêu thương nhau.
Chúng tôi bàn với nhau vay tiền mua một chiếc ghe gỗ về sửa sang lại rồi thả xuống chân cầu Bình Minh này làm nơi cư trú đã nhiều năm nay. Hằng ngày, chúng tôi lấy vé số rồi chia nhau rong ruổi trên khắp các con hẻm.
Chiều về lại bên nhau trên chiếc ghe. Cuộc sống cứ mãi xoay vần trong những ngày túng thiếu. Vậy mà lần lượt chúng tôi cho ra đời đến 11 đứa con.
Những lúc ế ẩm không bán được vé số, chúng tôi mua tạm ven đường lon gạo về nấu cháo loãng để các con cầm hơi. Thời gian gần đây, sức khỏe của ông Thâm ngày càng yếu, tôi phải đi bán một mình để lo cuộc sống gia đình. Ngày ngày, tôi dầm mưa dãi nắng cố gắng kiếm đồng lãi để chiều về nhà lo chuyện cơm nước cho ông”.
Có chết cũng không bán con
70 năm trôi qua, biết bao vui buồn họ đều nếm đủ. Mặc dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng trong cách xưng hô, họ vẫn gọi nhau hai tiếng anh em. Có lẽ nhờ vậy mà trong suốt 70 năm qua, cặp vợ chồng này đã hóa giải nhiều mâu thuẫn về cuộc sống.
Bà chia sẻ thêm: “Điều buồn nhất là các con của chúng tôi sinh ra và lớn lên trong lam lũ nghèo khó nên không được học hành. Cả 11 đứa đều nghèo.
Có một năm ông nhà tôi bị bệnh nặng. Tiền bạc trong nhà không còn. Một gia đình giàu có trong khu vực không sinh con được ngỏ ý muốn chúng tôi bán đứa con gái út cho họ. Ông nghe vậy, xua tay nói: “Con cái là giọt máu của chúng mình đâu dễ bán mua như vậy. Cho dù anh có chết cũng không thể nào đem bán con mình”.
Người con gái út ấy chính là chị Bùi Thị Hà, nay đã 48 tuổi. Chị đang ngồi gần mẹ, nghe lại câu chuyện này chị nhìn cha, hai giọt nước mắt lăn tròn trên gò má. Chị nói: “Cha mẹ tôi suốt đời sống tình cảm và yêu thương chúng tôi. Tình yêu của cha mẹ dành cho nhau chính là sức mạnh to lớn để giúp gia đình tôi đối mặt với những khó khăn”.
“Cũng có đôi lần vì quá khổ – Bà Dung kể tiếp – ông Thâm muốn một mình bỏ đi làm thuê thật xa khi nào có tiền mới trở lại. Nhưng đi được vài ngày, nỗi nhớ vợ khiến ông ăn ngủ không yên. Ông lại trở về bên vợ để cùng tôi lay lắt, nghèo khó có nhau.
Về phần tôi, khi ông ấy đi, tôi không thể nào chợp mắt được. Tiền bạc mình còn kiếm được nhưng tình nghĩa vợ chồng biết tìm ở nơi đâu?”.
Có tiếng ông cựa mình. Bà đặt tay lên trán ông và nhỏ nhẹ hỏi: “Anh có đỡ hơn chút nào không?”. Ông khẽ gật đầu. Dù không nói được lời nào nhưng trong ánh mắt của ông Thâm vẫn còn đó một tình yêu sâu nặng, sắt son với vợ.
Cũng nhờ vào tình yêu đó, ông bà mới nắm tay nhau viết nên câu chuyện tình yêu “bách niên giai lão” có thật giữa đời thường.