TRÙNG TANG liên táng, cách tính trùng tang và biện pháp hóa giải
TRÙNG TANG là hiện tượng gây bất an cho hàng ngàn, hàng vạn gia đình lâu nay, mỗi khi gia đình có tang, nhất là sau những cái tang bất thình lình do tai nạn, bệnh tật hiểm nghèo hoặc trường hợp người chết phạm phải năm, tháng hoặc giờ xấu. Do đó, linh hồn họ không siêu thoát, cứ quanh quẩn trong nhà trở thành trùng, rồi lần lượt bắt theo từng người thân trong dòng tộc…
I. TRÙNG TANG THỰC SỰ LÀ GÌ ?
Cách đây hơn một năm, nhiều tờ báo đưa tin về trường hợp trùng tang ở quận Tây Hồ, Hà Nội rất đáng sợ. Đó là một gia đình trong một ngày xảy ra 2 cái chết của bố chồng và nàng dâu cách nhau chưa đến 5 tiếng đồng hồ. Điều đáng nói là người con dâu đang khỏe mạnh bình thường, vẫn còn đang tất bật chuẩn bị “hậu sự” cho bố chồng thì bỗng nhiên đột tử vì cảm. Để tránh không chôn cất cùng một giờ, hơn nữa, chưa được “giờ đẹp” nên người bố “hạ huyệt” trước, sau đó người con dâu mới được khâm liệm và hạ huyệt sau.
Khỏi phải nói gia tộc đó hoảng sợ đến mức nào, nhất là người con trai cả đồng thời cũng là chồng của người vợ quá cố. Anh rất lo lắng cho đứa con trai độc nhất 15 tuổi và cả bản thân mình. Vì người ta bảo nhà anh bị “trùng tang”. Từ trước tới nay anh có biết “trùng tang” là gì đâu, hơn nữa, những chuyện như vậy chẳng khi nào anh quan tâm do không biết thực hư thế nào. Nhưng khi trong gia đình mình cùng lúc 2 cái chết của bố và vợ thì anh hoảng hồn thực sự, đến nỗi ai bảo gì anh làm nấy để gọi là tránh chuyện tương tự xảy ra.
Chẳng hạn một gia đình khác chia sẻ như sau: Gia đình họ có người anh trai chết đúng vào giờ Dần, ngày Dần, chưa qua 49 ngày thì mẹ mất. Một năm sau cậu em út cũng tử vong do tai nạn. Gia đình khiếp sợ và đi xem bói thì họ bảo là bị “trùng tang”.
Vậy trùng tang thật sự là gì ?
Thực ra, từ trước tới nay, chưa bao giờ có một định nghĩa chính thống về “trùng tang” mà chỉ dựa trên hiện tượng rồi đúc kết thành quan niệm. Ngay cả, Phật pháp cũng không định nghĩa về hiện tượng này, mặc dù đây là “hồn cốt” của thế giới tâm linh.
Theo quan niệm dân gian, hiện tượng trùng tang là hiện tượng một gia đình có người nhà chết đúng vào các giờ trùng, rơi vào kiếp sát (Dần, Thân, Tỵ, Hợi), sau đó lần lượt những người thân của người đó cũng chết theo cho đến khi số người chết đủ 3, 5, 7 hoặc 9 người.
Dân gian cũng cho rằng nguồn cơn của thảm họa này là do “âm binh” nổi loạn, vì vậy cách duy nhất để hóa giải là phải nhốt “trùng” (nhốt vong). Người ta đồn đoán chùa Hàm Long (Thuận Thành, Bắc Ninh) là nơi nhốt trùng lớn nhất cả nước (!). Và mỗi gia đình khi gửi vong đến đây sẽ được phát bùa để đeo trong vòng ba năm nhằm tránh họa. Thực tế, hầu hết những gia đình có người mới mất đều đi xem vong, và đeo hoặc dán các loại bùa chú này ở nhà.
Tại chùa Hàm Long – Bắc Ninh, Liên Phái – Hà Nội và một vài chùa nữa lại có những bộ ván khắc in phù giải Trùng tang liên táng từ hàng trăm năm. “Hàm long – chỉ nghe tên thôi cũng đã gợi lên một điều gì đó về ngôi chùa rồi. Dọc theo đường quốc lộ số 1 chỗ rẽ đi Cẩm Phả, xuất hiện một dãy núi lớn, dài 3,4 km, ta tìm đến đầu của dãy đó là nơi toạ lạc của chùa Hàm long. Nơi đây cũng là trường trung cấp Phật giáo của tỉnh Bắc ninh. Về thế đất Tân long, huyệt kết oa, Long, hổ hoàn mỹ, ngoại minh đường rộng rãi có sông lớn chảy qua nhưng không được đẹp. Ngoài ra còn có Tứ linh chầu vào. trong chùa còn có một cây tháp đá rất cổ, thường có nước rỉ ra từ đó. tương truyền nơi đây là nơi nhốt trùng rất lớn. Tôi có một người bạn thân đã từng tu hành ở đây nói với tôi ngày nào chùa cũng phải nấu một nồi cháo to để cúng, nếu không gà chó của dân địa phương tự nhiên lăn ra chết rất nhiều”.
Theo quan điểm của ngành thống kê học, trùng tang chỉ đơn giản là sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên. Sự trùng hợp giữa các sự biến ngẫu nhiên xảy ra thường xuyên hơn sự hình dung của người bình thường như chúng ta.
Bách khoa thư các hiện tượng dị thường, xuất bản năm 1996 tại Mỹ, trong mục Trùng hợp nhấn mạnh: “Sự trùng hợp xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Chúng khiến chúng ta vui sướng, bối rối và sửng sốt. Chúng gây phiền nhiễu và tạo sự hoảng sợ… Chúng có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta; nơi chúng ta làm việc; người chúng ta chung sống; và nhiều đặc trưng cơ bản của cuộc sống hàng ngày có vẻ dựa trên sự trùng hợp”.
Vậy bản chất của sự trùng hợp là gì? Đó là luật số lớn trong lý thuyết xác suất và thống kê. Định luật này phát biểu đơn giản như sau: Với một mẫu xét đủ lớn, bất kỳ hiện tượng kỳ lạ nào cũng có thể xảy ra.
II. CÁCH TÍNH TRÙNG TANG
Các loại trùng tang thường gặp
- Trùng 3 ngày: tức là trong gia đình họ hàng sẽ có người chết theo ngay, tính từ lúc có người chết trùng cho đến 3 ngày sau. Nhiều khi người này chưa kịp chôn thì người tiếp theo đã chết.Đây là trùng tang nặng nhất, làm cho gia đình không kịp trở tay vì cũng chưa biết là có chết trùng.
- Trùng tuần đầu: tính từ lúc chết cho đến hết tuần đầu, đây cũng là trùng tang khá nặng và có thể kéo dài đến 49 ngày- tức là cúng 49 ngày đó.
- Nhẹ hơn nữa tức là xảy ra vào những ngày sau đó, kéo dài cho đến hết 3 năm và có thể hơn tuỳ thuộc vào thời gian bốc mộ lên mộ tròn: nhiều khi sự việc xảy ra vào đúng ngày cuối cùng ngay trước hôm bốc mộ do gia đình không kiêng khem cẩn thận. Sở dĩ nói trùng này là nhẹ nhất vì gia đình có nhiều thời gian để đi cứu giải.
Việc trùng nặng hay nhẹ do giờ của người chết trùng quyết định. Việc này nên nhờ các ông thầy hoặc các nhà sư cao tay xem cho. Vì vậy khi nhà có người mất thường nên đi xem ngay để nếu không may chết trùng gia đình còn kịp xoay xở.
Cách tính trùng tang
Có 2 cách tính Trùng tang:
– Thứ Nhất, Trùng tang có thể là thời gian lúc mất, trùng năm (như người tuổi Dần mất năm Dần), trùng ngày (như người tuổi Sửu mất ngày Sửu), trùng giờ (như người tuổi Ngọ mất giờ Ngọ).
– Thứ Hai, là cách tính Trùng tang theo Địa Chi giống như tính Nhập mộ.
Lập Bảng sau dễ nhớ và theo 4 bước:
* Đầu tiên tính tuổi chết theo chẵn chục (10, 20…) khi hết tuổi chẵn tính tiếp các tuổi lẻ theo thứ tự 1,2,3…đến tuổi mất, tính đến đâu thì ghi lại cung đó;
* Sau đó tính tiếp đến tháng chết vào cung ngay sau cung tính năm, khởi từ tháng Giêng, ghi lại cung đó;
* Rồi tính tiếp đến ngày chết vào cung ngay sau cung tính tháng khởi từ ngày mùng 1, ghi lại cung đó;
* Sau cùng đến giờ chết vào cung ngay sau cung tính ngày khởi từ Tý, ghi lại cung đó. Chú ý giờ âm lịch chỉ chia một ngày ra 12 giờ: Tý (23-01 giờ), Sửu (01-03 giờ)…Hợi (21-23 giờ).
Nếu căn cứ vào phép tính Trùng tang như trên thì cả nam và nữ những người chết mà có tuổi âm lịch (=năm Dương lịch hiện tại – năm sinh theo Dương lịch + 1) bằng: 10, 13, 16, 19, 22, 25, 28, 31, 34, 37, 40, 43, 46, 49, 52, 55, 58, 61, 64, 67, 70, 73, 76, 79, 82, 85, 88, 91… sẽ rơi vào trùng tang. Từ đó quy nạp ngược lại theo hệ Can Chi thì những người có tuổi:
– Tý, Ngọ, Mão, Dậu nếu chết vào một trong các năm TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU thì rơi vào trùng tang;
– Hoặc: Dần, Thân, Tỵ, Hợi nếu chết vào một trong các năm DẦN, THÂN , TỴ, HỢI thì rơi vào trùng tang;
– Thìn, Tuất, Sửu, Mùi nếu chết vào một trong các năm THÌN – TUẤT – SỬU – MÙI có nghĩa là chết vào các năm “xung” (tứ hình xung) sẽ bị trùng tang.
Một số cách tính trùng tang phổ biến khác:
– Dùng 12 cung địa chi trên bàn tay để tính. Nam khởi từ Dần tính theo chiều thuận, Nữ khởi từ Thân tính theo chiều nghịch.
– Bắt đầu là 10 tuổi, cung tiếp theo là 20 tuổi, … tính đến tuổi chẵn của tuổi người mất. Sau đó cung tiếp theo là tuổi lẻ tính đến tuổi của người mất, gặp ở cung nào thì tính là cung tuổi.
– Từ cung tuổi, tính cung tiếp theo là tháng 1, tính lần lượt đến tháng mất, gặp cung nào thì cung đó là cung tháng.
– Từ cung tháng, tính cung tiếp theo là ngày 1, tính lần lượt đến ngày mất, gặp cung nào thì tính cung đó là cung ngày.
– Từ cung ngày, tính cung tiếp theo là giờ tý, tính lần lượt đến giờ mất, gặp cung nào thì tính cung đó là cung giờ.
Nếu các cung tuổi, tháng, ngày, giờ gặp các cung:
– Dần – Thân – Tị – Hợi thì là gặp cung Trùng Tang
– Tý – Ngọ – Mão – Dậu thì là gặp cung Thiên Di
– Thìn – Tuất – Sửu – Mùi thì là gặp cung Nhập Mộ.
Chỉ cần gặp được một cung nhập mộ là coi như yên lành, không cần phải làm lễ trấn trùng tang.
Ví dụ: Tính cho cụ ông mất giờ Tý, ngày 3, tháng 3 thọ 83 tuổi.
Cụ ông Khởi từ cung Dần tính chiều thuận: 10 tuổi ở Dần, 20 tuổi ở Mão, 30 tuổi ở Thìn… 80 tuổi ở
Dậu, đến tuổi lẻ 81 ở Tuất, 82 ở Hợi, 83 ở Tí. Vậy cung tuổi là cung Tý là cung Thiên Di.
Tính tiếp tháng 1 là Sửu, tháng 2 ở Dần, tháng 3 ở Mão, vậy cung tháng là Mão là cung Thiên Di.
Tính ngày mồng 1 là Thìn, ngày mồng 2 là Tị, mồng 3 là Ngọ, vậy cung ngày là Ngọ gặp Thiên Di.
Tính tiếp cho giờ, giờ tý tại Mùi, vậy cung giờ là cung Mùi được cung nhập mộ.
Như vậy cụ ông có 3 cung thiên di, 1 cung nhập mộ. Vậy là hợp với lẽ trời và đất.
III. CÁCH HÓA GIẢI TRÙNG TANG
Theo sách vở ghi lại và cách làm của các thầy và kinh nghiệm dân gian thì việc giải trùng tang có nhiều cách khác nhau như: Gửi lên chùa để “nhốt trùng” lại; Chọn ngày, giờ an táng không phạm vào giờ kiếp sát; Làm huyệt giả; Đổ tỏi vào huyệt khi lấp đất… thậm chí có cả bài thuốc trấn trùng, dùng linh phù để trấn…
Hóa giải trùng tang bằng cách gửi vong linh người mất phạm vào giờ độc lên chùa
Nhà có người chết trùng phải lập tức gửi người đó lên chùa, tuy nhiên không phải chùa nào cũng giữ được vong chết trùng. Nó phụ thuộc vào sự linh thiêng của chùa và mức độ cao tay của vị sư trụ trì. Nếu trùng nhẹ các bạn có thể gửi lên một ngôi chùa nào đó gần nhà, các nhà sư sẽ hàng ngày đọc kinh niệm phật cho vong hồn siêu thoát( hay nói đúng ra là nhốt vong vào trong ngục, không cho đi lung tung kẻo quỷ sứ bắt được nó sẽ tra tấn và khai ra tên họ người nhà, càng những người hợp với vong chết trùng càng dễ bị bắt).
Cách hóa giải trùng tang đối với những trường hợp người đã mất phạm vào giờ Trùng nặng
Tìm 1 bộ bài Tổ tôm cũ (tức là đã chơi cũ rồi) bỏ mấy con Bát sách đi, số còn lại lấy rải đều ở 4 góc quan tài trong lúc đang liệm.
* Dùng bộ bài Chắn gồm 120 quân bỏ 20 quân Yêu đi, tức là bỏ bộ Nhất và bộ Nhị, chứ không bỏ Bát sách. Kèm theo là 1 cuốn lịch Tàu hoặc bộ sách Trương Thiên Sư, và bộ Bùa trùng tang(có thể lên chùa xin được) .
* Sau khi tính ra người mất bị phạm trùng tang thì những người thuộc tam hợp chi cùng với chi trùng tang phải tránh mặt lúc liệm xác. VD: trùng tang tại Tị, vậy tam hợp của Tị là Dậu và Sửu bị phạm. Những người thuộc tam hợp tuổi với người mất bị trùng tang phải tránh . VD: người mất tuổi Hợi thì tam hợp Mão Mùi bị phạm. Ngoài tránh mặt lúc “liệm” thì còn cần phải tránh cả lúc “nhập quan”, “đóng cá” và đặc biệt là cả tránh lúc “hạ huyệt, lấp đất”.
* Trước khi liệm: Dùng 6 lá Linh phù Lục tự Đại minh có kích thước 31 x 10.5 cm viết theo chiều dọc từ trên xuống dán vào thành trong của quan tài tại đầu, chân, hai bên vai, hai bên hông. Những Linh phù này có tác dụng trấn tà khí của Linh hồn. Khi chôn: Vong Nam 7, Vong Nữ 9 quả trứng vịt đã luộc chín, để trên nắp quan tài trên vùng bụng, dùng một cái niêu đất úp lên trứng, sau đó lấp đất. Cách này dùng để thu nốt những Tà khì còn sót lại. Lưu ý Linh phù được viết trên giấy vàng chữ đỏ.
* Sau khi chôn người ta lại dùng 108 cọc tre đực dóng trên mộ, 36 cọc tre hoá đóng ở nhà. Trên mộ cột thêm 1 con quạ hoặc gà mái đen.
* Một số người còn cho rằng có thể áp dụng phương pháp làm huyệt giả, đổ tỏi vào huyệt khi lấp đất hay dùng thần chú, Bát quái trận đồ trấn âm trạch để hoá giải…
* Trùng nặng thì người ta dùng con cóc màu vàng đang chửa để luyện thành thần tướng hộ vong.
* Trường hợp nặng hơn thì người ta dùng bộ gạo nếp nặn thành 12 ông thần trùng, sau khi làm phép thì dùng dao chặt đầu rồi nặn thành 1 hình nhân, dùng quan tài bằng lúc lác tẩm liệm rồi dùng 1 quả trứng vịt cắm 13 cây kim, đoạn dùng bè chuối; chọn giờ thiên giải thì thả xuôi ra sông.
Trên đây là tất tần tật những điều bạn nên biết về hiện tượng Trùng Tang, cách tính Trùng Tang và cách hóa giải Trùng Tang. Nhưng thực ra, “sống” và “chết” chỉ là hai hiện tượng trong tiến trình luân hồi bất tận. Như vậy, việc xác định trùng tang là dựa trên nguyên lý của dịch với học thuyết Âm dương – Ngũ hành chứ không phải sự mê tín, tuỳ tiện.
Các nội dung khác được nhiều độc giả quan tâm: