Bộ trưởng Giáo dục: Hy sinh cả đời về hưu nhận 1,3 triệu sống sao nổi?

Bộ trưởng Giáo dục: Hy sinh cả đời về hưu nhận 1,3 triệu sống sao nổi?

Sáng 30/10, trao đổi với baotintuc247.com bên hành lang Quốc hội về trường hợp của cô Trương Thị Lan (ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhận lương 1,3 triệu đồng/tháng khi về hưu, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết đã có đề xuất với Bộ Nội vụ.

Theo ông, đây không phải riêng cô giáo mầm non, một mình cô Lan mà là thực trạng phổ biến của các thầy, cô vì thang bảng lương trong giáo dục thấp so với yêu cầu, nhất là yêu cầu đổi mới.

“Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ phải có đánh giá một cách công bằng khi các thầy đảm nhận các nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới thì chế độ đãi ngộ phải phù hợp mới tạo động lực”, ông Phùng Xuân Nhạ nói.

tin giáo dục
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội

Theo ông Nhạ, trường hợp của cô Lan khiến ông rất trăn trở. Bộ đang làm việc với Bộ Nội vụ, Tài chính để đưa bảng lương của thầy, cô giáo vào Luật Giáo dục, xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ.

Loading...

“Nhìn cô ấy khụy, ngất, mình làm việc thì bảo hiểm xã hội trả lời là làm đúng theo quy định. Nhưng thực tế về mặt con người, các thầy, cô hy sinh gần như cả đời cho giáo dục, giờ về hưu được 1,3 triệu đồng thì sống sao được?”, Bộ trưởng bộ giáo dục và đào tạo chia sẻ.

Nói về việc có hồi tố trong vụ việc này hay không, ông Nhạ cho rằng vấn đề pháp luật còn bất cập thì phải sửa, những vấn đề khác còn liên quan đến nhiều luật khác như luật bảo hiểm, tài chính thì Bộ GD&ĐT kiến nghị. Trường hợp như cô Lan phụ thuộc vào các bộ, ngành cho ý kiến nhưng tinh thần có lợi nhất cho các thầy, cô.

Về thực trạng này, con số cụ thể đang được thống kê nhưng ông Nhạ khẳng định là không ít, nhất là các cô giáo mầm non – những người một thời rất dài nhận lương khởi điểm thấp.

“Đây là vấn đề ưu tiên sao cho chế độ làm việc gắn với đãi ngộ mới tạo được động lực. Có động lực thì phải có chế độ phù hợp, phải có thu nhập để yên tâm chứ không hô hào”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Sáng 30/10, trao đổi với PV, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã giao Sở Nội vụ xác minh làm rõ trường hợp của cô Trương Thị Lan.

“UBND tỉnh đã giao đơn vị chức năng xác minh làm rõ. Trường hợp cô Lan cống hiến như thế nào, đóng bảo hiểm ra sao. Việc này cần căn cứ vào các quy định pháp luật”, vị này nói.

tin giáo dục
            Cô Trương Thị Lan khóc nghẹn khi nhận 1,3 triệu đồng/tháng khi về nghỉ hưu.

Cô Trương Thị Lan cho biết, năm 1980 bắt đầu dạy trẻ ở trường Mầm non Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), nay là trường Mầm non Lê Duẩn. Ngày ấy, lương không nhận bằng tiền mà bằng thóc, gạo của phụ huynh
Năm 1995, lương giáo viên mầm non được nhận bằng tiền, với 450.000 đồng/tháng, tăng dần theo các năm.

Năm 2003, giáo viên bắt đầu phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Để đảm bảo điều kiện hưởng quyền lợi cho giáo viên sau khi nghỉ hưu, phía bảo hiểm xã hội đã có chính sách cho đóng bù thêm 8 năm bảo hiểm thời gian trước đó (từ năm 1995-2003) để đủ thời gian tối thiểu 20 năm cho việc hưởng quyền lợi.

Từ năm 2014, cô chính thức vào biên chế, tiền lương được tính theo hệ 3,46, mỗi tháng nhận hơn 5 triệu đồng. Tháng 9 vừa rồi, cô nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng.

Loading...