Ban hành nghị quyết để phát triển kinh tế tư nhân

Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII họp vào đầu tháng 5 sắp tới sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Đó là nội dung chính của chương trình “Diễn đàn kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội đất nước” do Hội doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) tổ chức sáng ngày 26/4. Đây là sự kiện nằm trong chương trình Thủ tướng gặp mặt Đoàn doanh nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước của Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam. 

Kinh tế tư nhân vẫn chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm tới 31,33% GDP, trong khi các thành phần khác của kinh tế tư nhân chỉ chiếm 7,88% GDP năm 2015.

Kinh tế tư nhân đang đóng góp 39-40% GDP. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của kinh tế tư nhân giai đoạn 2003-2015 là 10,2%/năm.

Tuy nhiên, 97% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, trình độ quản trị, tính liên kết còn yếu; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cần thống nhất quan điểm kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Không chỉ yếu kém về nội lực, tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh, sản suất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại của kinh tế tư nhân diễn ra ngày càng phổ biến.

Loading...

Do đó, để phát triển kinh tế tư nhân, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị cần giải quyết 4 nhóm vấn đề. – Thứ nhất, về quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 cần được xác định, làm rõ để phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước và xu thế của thời đại.

– Thứ hai, về giải pháp để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân (Về đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, về hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và đảm bảo hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường, về mở rộng khả năng tham gi thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, về khả năng tiếp cận các nguồn lực nhất là về đất đai, vốn, thị trường, về phát triển cơ sở hạ tầng,…).

– Thứ ba, về giải pháp để hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tích cực hội nhập quốc tế. Thứ tư, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với phát triển kinh tế tư nhân.

“Thách thức lớn với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 sẽ là thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cho sự phát triển kinh tế xã hội”, TS. Đinh Tuấn Minh cho rằng: Trong bối cảnh này, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng 6,7% như kế hoạch, những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư sẽ trở nên vô cùng cần thiết. Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý đã trao đổi, thảo luận các nhóm vấn đề: Các Hiệp định mậu dịch tự do mới – FTA Việt Nam – EU và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) – Những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp tư nhân nước ta; Phát triển kinh tế: Khơi thông tiềm năm kinh tế hộ; Chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về kinh tế tư nhân; Doanh nghiệp sáng tạo và cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Bài tham luận về kinh tế tư nhân của Đại diện Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB); Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế thị trường và an toàn thực phẩm; Nông nghiệp công nghệ cao; Con đường khởi nghiệp – Câu chuyện xây dựng thương hiệu…

Loading...