Nỗi lo lạm thu đầu năm học mới chưa giảm

Baotintuc247.com– Gần đây, tình trạng lạm thu gánh là nỗi lo lắng thường trực của các bậc phụ huynh. Năm nay, bên cạnh những chính sách mới về học phí, miễn giảm học phí… ngay từ đầu năm học, ngành Giáo dục đã ban hành nhiều quy chế, quy định nhằm chấn chỉnh công tác thu chi tài chính.

Vấn nạn lạm thu

Nỗi lo lạm thu đầu năm học mới chưa giảm

Câu chuyện lạm thu đầu năm học không phải đến bây giờ mới được đề cập. Năm nào lạm thu học phí cũng tái diễn với các mức độ và hình thức khác nhau. Trong đó, dư luận ghi nhận được không ít hoạt động biến tướng trên danh nghĩa “tự nguyện” hay “thu các khoản thu ngoài quy định của nhà nước” gây ra những phản ứng trong dư luận.

Để khắc phục tình trạng này, trong Chỉ thị đầu năm học mới và các văn bản chỉ đạo liên quan khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đều có văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở các địa phương thực hiện thu, chi tại các cơ sở giáo dục phải tuân thủ theo đúng quy định, tránh để tình trạng lạm thu gây khó khăn cho phụ huynh học sinh và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu. Tuy nhiên, những bức xúc về các khoản đóng góp đầu năm của các bậc phụ huynh và dư luận xã hội chưa bao giờ lắng xuống.

Theo Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ GD&ĐT, để xảy ra vấn đề “lạm thu”, nguyên nhân chủ yếu là một số cơ sở giáo dục cố tình thực hiện sai quy định của nhà nước nhiều hoạt động biến tướng để thu tiền học sinh, phụ huynh mượn danh nghĩa “tự nguyện” hay “thu các khoản thu ngoài quy định của nhà nước”; Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Bên cạnh đó, một số địa phương chỉ đạo và phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục với tỷ lệ chi cho các hoạt động thấp, chưa đảm bảo mức tối thiểu cho chi hoạt động, chuyên môn nghiệp vụ là 18% theo Quyết định số số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương chưa thực hiện tốt vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn, chưa thanh tra, kiểm tra kịp thời để xử lý các cơ sở giáo dục có sai phạm về thu chi tài chính, dẫn đến còn tình trạng các cơ sở giáo dục thực hiện một số khoản thu ngoài quy định.

Cấm vận động tài trợ để chi cho giáo viên

Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các phòng GD-ĐT, các trường trực thuộc phổ biến kỹ nội dung Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT. Thông tư này khẳng định việc xã hội hóa giáo dục là cần thiết, tuy nhiên, hình thức triển khai được khuyến khích là giao cho các nhà tài trợ tự tổ chức việc đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, lắp đặt hoàn chỉnh để bàn giao cho nhà trường. Cách làm này phần nào giúp nhà trường tránh được điều tiếng về tiền bạc, chuyên tâm hơn cho nhiệm vụ chuyên môn. Tuy nhiên, để tránh hiện tượng “giao kèo”, Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định rõ: Nhà trường không được coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục.

Để việc vận động tài trợ được thực hiện đúng mục đích là phục vụ việc học tập của học sinh, Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT nêu rõ những “lệnh cấm” từ năm học 2018-2019. Theo đó, nhà trường không được vận động tài trợ để chi trả các khoản phục vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên như: Thù lao giảng dạy; công tác an ninh, bảo vệ; vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý…

Loading...

Cũng theo ông Nguyễn Viết Cẩn, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị duy trì việc trực và tiếp nhận thông tin liên quan đến vấn đề thu – chi qua đường dây nóng. Theo đó, ngoài số máy đường dây nóng của Sở GD-ĐT, 30 phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã đều đã công khai số đường dây nóng của đơn vị mình, bảo đảm tiếp nhận thông tin và kịp thời xác minh, xử lý.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho biết: Năm học 2018-2019, quận Tây Hồ quan tâm đặc biệt tới việc chấn chỉnh công tác thu – chi. Chỉ cần có phản ánh của phụ huynh qua đường dây nóng là nhà trường sẽ bị trừ 30% số điểm xếp hạng; nếu có sai phạm về thu – chi, trường sẽ bị trừ 70% số điểm xếp hạng; nếu có sai phạm, bị xử lý kỷ luật thì hiệu trưởng bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ và đương nhiên, nhà trường chắc chắn ở vị trí “đội sổ” trong bảng xếp hạng. Đây là giải pháp để các nhà trường cùng cố gắng xây dựng “thương hiệu”, niềm tin trong ngành và trong phụ huynh học sinh.

Loading...